Sunday 2 January 2011

Trương Gia Bình: Con người của ý tưởng

Nhiều người nói với chúng tôi rằng, Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Cty FPT là một nhân vật có nhiều ý tưởng. Chúng tôi chưa bao giờ có dịp gặp gỡ ông, một nhà khoa học được đào tạo trong môi trường Xô Viết trở thành doanh nhân, để trao đổi về điều đã làm cho ông trở nên khác biệt.

Hôm nay, Trương Gia Bình ngồi trước mặt chúng tôi đây. Ông chuẩn bị cho một buổi nói chuyện về các bí quyết thành công vào ngày hôm sau, mà nếu gạch đầu dòng ngắn gọn thì chúng bao gồm: khát vọng + nhìn được các điểm nút chiến lược + tập hợp được những người có năng lực để cùng vượt qua những khó khăn.

Cao 1m73, nặng 88kg, cuốn sách đang đọc dở dang là “Cuộc đời tôi" (My Life) của Bill Clinton; ăn mặc theo lối càng ít thứ đeo khoác trên người càng tốt và thoải mái, có thể nhận xét sơ bộ rằng, ông Bình thuộc kiểu người cởi mở. Giọng nói của ông Bình khi phát âm chữ “r”, lưỡi vẫn rung nhẹ. Đó là “di sản” của nhiều năm học tiếng Nga và của quê hương miền Trung, cho dù ông ra Hà Nội sống từ năm 2 tuổi.

1. TS Bùi Quang Ngọc - bạn học cùng từ năm lớp 2 (năm học 1964-1965) tại trường Phương Đông – Hà Nội, người được coi là khá hiểu ông Bình. Theo ông Ngọc, ngày ấy họ cùng ở phố Thợ Nhuộm.

Nhà Quang Ngọc số 91, nhà Gia Bình ở số 86, chính là trụ sở của Sở Y tế Hà Nội (bố ông Bình là Trương Gia Thọ - một vị bác sỹ nổi tiếng thời bấy giờ). Trò chơi ấu thơ của họ thường cho cá vào lọ để cùng ngắm chúng chọi nhau cho đến khi ngã ngũ. Hai người học với nhau cả 3 năm cấp 3 ở Trường Chuyên Toán Chu Văn An, cùng ngồi ở chiếc bàn cuối lớp.

“Dân chuyên Toán thường ít chú ý đến môn Văn cũng như các môn xã hội. Riêng Gia Bình học toàn diện, lại ham mê môn Văn. Mỗi bài luận, Bình bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu hàng đống sách chuyên đề rồi mới bắt tay vào viết. Tôi và nhiều bạn thường sử dụng các tư liệu mà Bình đã mất công tìm kiếm, thậm chí bắt chước cả cách phân tích, bình luận của Bình. Các bài Văn của Bình thường được được tham khảo mẫu khi trả bài. Bình hay nói về Triết học, trình bày các vấn đề dưới góc độ hoặc bằng ngôn ngữ Triết.

Truong Gia Binh Con nguoi cua y tuong
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Cty FPT là một nhân vật có nhiều ý tưởng

Hồi đấy tôi chỉ thấy hay hay vì nó khác với những suy nghĩ tư duy thuần Toán, không biết đâu rằng đó chính là biểu hiện của những phẩm chất lãnh đạo mà sau này Bình mới thể hiện rõ.

Năm 1974, khi sang Liên Xô, mỗi đứa một nơi, Gia Bình học khoa Cơ học trường Tổng hợp Matxcơva, còn tôi học Toán ở Kisinhốp. 1979, Bình được chọn chuyển tiếp nghiên cứu sinh, còn tôi về dạy Toán ở ĐHBK Hà Nội. Năm 1985, Bình về nước lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện Cơ, bắt đầu làm kinh tế.

Một tối đầu mùa hè năm 1988, Bình đến nhà tôi chơi. Trên cái sân gác tầng 2 thoáng mát ở phố Khâm Thiên, Bình say sưa nói về máy tính cá nhân và thuyết phục tôi tham gia nhóm của Bình để chuyển máy tính sang Liên Xô.

Ngoài sự thân quen rất nhiều năm, Bình nhìn nhận tôi như một chuyên gia Tin học khi đó. Chính Bình đã biến tôi từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay” – TS Quang Ngọc nhớ lại. Khi ấy họ mới 32 tuổi. Và sau đó mấy tháng, FPT chào đời.

2. Chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao một nhóm các nhà khoa học lại rủ nhau bỏ đi làm kinh tế? Ông Bình kể, thế hệ ông được hưởng thụ sự giáo dục về niềm tự hào dân tộc, sinh ra là người Việt Nam đã là điều hạnh phúc. Chúng ta là lương tâm của thời đại, và tin tưởng sâu sắc vào điều đó.

Tuy nhiên khi đi ra thế giới, gặp phải một sự thật phũ phàng mới thấm thía nghèo là hèn, hèn là nhục. Điều ấy là một nỗi đau từ khi bước chân ra khỏi nước.

Ông Bình nhớ, những năm 1980, khi đang ở nước ngoài, hôm ra sân bay tiễn một bạn về nước, một viên cảnh sát đã cầm giấy tờ của cô gái này vứt toẹt xuống đất. Thứ nữa là khi về nước, một người bạn than thở: “Bình ơi đói quá không nuôi nổi vợ con nữa, mình phải làm cái gì đi chứ?”

Vượt lên nghèo khó vốn là một suy nghĩ chất chứa trong đầu từ lâu, và lần này thì nhóm những nhà khoa học này nhất quyết làm kinh tế.

Nguồn: http://dailyinfo.vn/nhanvat1-1171-8864-truong-gia-binh-con-nguoi-cua-y-tuong.html

No comments:

Post a Comment