Friday 28 September 2012

Thầy Khải của chúng tôi

Báo Lao Động, Thứ bảy 29/09/2012 06:00

Trần Duy Phương (ghi lại) 

Chúng tôi là học trò lớp I (i) chuyên toán cấp 3 Chu Văn An từ các năm 1970 - 1982. Thầy chủ nhiệm của chúng tôi là Đào Thiện Khải. Khi đó, thầy mới hơn 30 tuổi và phụ trách khối chuyên toán. Sau này, Hà Nội thành lập trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, thầy về làm hiệu phó, rồi hiệu trưởng của trường...
Còn bây giờ thầy đã ở vào tuổi 75. Nhưng những bài học của thầy truyền trao từ thuở ấy, bây giờ chúng tôi vẫn nhớ. Và càng trải nghiệm cuộc sống, chúng tôi càng thấy thật may mắn bởi có được một "người dẫn đường" như thế.
 
Thầy Đào Thiện Khải (thứ 5 từ trái sang) cùng các học sinh
dưới tượng Chu Văn An tại trường Chu Văn An.

Thầy luôn giỏi hơn tụi mình
3 năm học phổ thông thầy dạy cho học trò sự trong sáng, rõ ràng đến đơn giản của toán, giống như tính thầy vậy.
Thầy dạy cho trò hình dung bức tranh chung nhiều hơn là chi tiết kỹ thuật toán học, điều này về sau mình mới hiểu tại sao.
Năm tốt nghiệp phổ thông xong, các bạn người đi bộ đội, người đi học đại học hết, mình có hoàn cảnh bất thường, mãi không được gọi đại học nên hay đến nhà thầy ngồi. Mỗi lần đến, thầy hỏi thăm tình hình chờ đợi đến đâu, rồi thầy chỉ cho mình đọc sách thêm về toán. Về sau mình mới biết, hoàn cảnh thầy khi đi học đại học cũng khó khăn tương tự. Thầy hiểu và chấp nhận sự thực một cách đơn giản, tự nhiên, không bao giờ nghe thầy phàn nàn điều gì.
Hai năm đầu đại học, mình quen một anh bạn người Việt gốc Hoa cùng học khoa Toán Lý - Đại học Bách khoa Hà Nội, trên 2 khóa, tên là Lý Trung Nhân. Anh này học giỏi lắm, tự học gần hết chương trình toán đại học, được đặc cách vào học đại học không phải thi, rồi sau đó học nhảy lớp từ năm 1 lên năm 3, bỏ qua năm 2, và được Giáo sư Phan Đình Diệu nhận hướng dẫn nghiên cứu về logic toán học. Báo chí Việt Nam thời đó ca ngợi um sùm.
Mình đọc sách theo anh này về logic toán cũng khá sâu, đến kể chuyện với thầy mới biết thầy cũng đã tự nghiên cứu về món này rồi. Thầy lại chỉ lại cho mình những điểm cốt lõi và cho mượn cuốn "Vvedennie v Matemachicheskuiu Logiku" của Mendelson (được dịch ra tiếng Nga) cực hay (đến bây giờ vẫn là một cuốn sách nền tảng cho những nhà nghiên cứu về logic toán). Lúc học môn này trong chương trình đại học, thấy trình độ thầy hơn hẳn mấy tiến sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô về giảng trong trường đại học khi đó.
Dần dà mới hiểu thầy ngoài việc dạy chuyên toán, thầy đọc rất nhiều về các ngành toán hiện đại: Hình vi phân, lý thuyết tai biến... và có nhiều kiến giải rất sâu sắc, vượt lên trên trình độ của thạc sĩ, tiến sĩ.
Mấy năm sau này, thầy còn học tiếng Hán bằng cách dịch lại "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh, làm cho các bạn lớp mình phục lăn. "Thầy luôn giỏi hơn tụi mình".

Đam mê
Mình vẫn còn ấn tượng đến giờ, một lần thầy trả bài kiểm tra 2 tiết toán. Kết quả điểm của cả lớp không cao. Vì thế, trước khi đưa ra các bài giải và trả kết quả chấm từng trò, thầy giảng về niềm tin, sự đam mê một hồi. Thầy nói rằng, nếu có em nào thấy mình học nhiều, mà điểm số vẫn thường xuyên không cao, thì cũng đừng lo lắng quá.

Thực ra, chỉ là mình vẫn suy nghĩ "chưa tới" mà thôi. Nếu mình vẫn có đam mê về toán và kiên trì theo đuổi thì đến lúc nào đó sẽ "vỡ ra" và mình sẽ thấy mọi chuyện dễ dàng hơn. Thầy nói, khả năng toán có khi lại tiềm ẩn lâu, đến lúc nào đó mới "bật ra"... Thầy nói, điểm không phải là quan trọng, mà kiến thức và tư duy mới là quan trọng. Rồi thầy lại xoay ngay sang hướng khác. Thầy nói, toán chỉ là một lĩnh vực của cuộc sống. Mình có thể giỏi toán và đam mê về toán, theo toán suốt đời. Nhưng ngoài toán thì còn rất nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác. Có em đến lúc nào đó nhận thấy mình không thật giỏi toán, thì cần biết mình giỏi gì khác và mình có đam mê gì khác ngoài toán. Và thầy khẳng định: Làm bất kỳ điều gì, hay theo đuổi bất kể lĩnh vực nào, muốn thành công thì phải thực sự có đam mê!
Mình vẫn nhớ mãi lần giảng bài ngoài lề về toán và sự đam mê của thầy hôm đó. Bởi vì từ cấp 2, mình đã tự nhủ là mình sẽ không theo đuổi sự nghiệp toán. Mình đã tự bằng lòng là luôn ở tốp 10 về toán trong lớp, chưa bao giờ đặt mục tiêu phải lên tốp 3, vì mình đã rất thích vật lý và đã muốn theo đuổi kỹ thuật vô tuyến điện từ hồi cấp 2. Lời giảng của thầy Khải đã giúp mình định hướng đam mê, giải tỏa sự băn khoăn lờ mờ rằng tại sao mình chưa hết mình với môn toán, như nhiều bạn khác.

“Thế nào là thêm???”
Ngày ấy, dù chưa được rầm rộ hay ầm ĩ như bây giờ, song cái việc học thêm và dạy thêm không phải là không có. Ở lớp, tuy chả nhiều, nhưng cũng có dăm ba chú, chị... ngoan ngoãn theo sự phân công của thầy u để đi học "thêm". Bữa 20.11 năm đó, một lũ học sinh đến thăm thầy, thầy mới rủ rỉ bảo rằng, chả biết các em học thêm được cái gì, chứ tôi thấy toàn đem những cái trong sách ra mà nhai đi nhai lại thôi chứ thêm nếm cái gì. Theo tôi, các em cứ học hết những gì trong sách là đủ để thi rồi. Các em làm thêm được 10 bài tập mới chưa chắc đã là tốt hơn làm 1 bài tập nhưng theo 10 cách khác nhau. Cái cần thêm là các cách nhìn nhận một vấn đề cho thấu đáo, chứ không phải là nhìn lắm vấn đề cho nó hoa mắt lên, rồi chả thấy được vấn đề gì cả...
Mình nhớ đến khoảng giữa năm lớp 8, có một số bạn tỏ ra không theo kịp giáo trình. Chú Vượng - bố bạn Nguyễn Chí Dũng, là trưởng ban phụ huynh - đặt vấn đề dạy thêm cho một số bạn hơi yếu hơn, thầy Khải trả lời thẳng trước lớp:
- Ban phụ huynh có đặt vấn đề tôi phụ đạo thêm cho các em học yếu, nhưng tôi từ chối. Vấn đề là ở chỗ, không phải các em thực sự học yếu mà các em chưa quen với cách học của lớp chuyên toán thôi. Một số em Trưng Vương lên đã quen với cách học này nên tỏ ra trội hơn, nhưng chưa chắc các em trường khác đã thua đâu. Rồi các em sẽ thấy qua năm lớp 9, lớp 10. Ở đây không phải tôi tiếc thời gian và lại càng không phải vì chuyện tiền bạc. Tôi sẵn sàng phụ đạo miễn phí cho cả lớp nếu các em yêu cầu, nhưng tôi không kèm từng em giải từng bài toán một. Rồi tôi cũng phải cho bài tập và các em phải tự giải ở nhà. Có như thế mới tiến bộ được. Việc học là phải tự học, chứ không phải bỏ tiền thuê ông thầy học hộ. Tôi làm sao ngồi cạnh các em trong các kỳ thi và giải hộ các em bài thi được?

Một cuộc thi dân chủ
Năm lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay) thầy phải chọn học sinh đi thi toán quốc tế. Thầy cho cả lớp ôn luyện và làm 3 bài kiểm tra, để chọn người đi thi vào đội tuyển. Đến hôm trả bài kiểm tra, điểm phần nhiều dưới trung bình. Thầy tuyên bố trước lớp:
- Bài kiểm tra này không phản ánh đúng thực lực của các em. Nếu dựa vào bài kiểm tra sẽ không chọn đúng người giỏi để đi thi. Chúng ta được chọn 5 người đi thi vào đội tuyển Toán quốc tế. Trong lớp, qua mấy năm học các em cũng đã biết ai có năng lực, vậy chúng ta hãy làm cuộc bình bầu nhỏ. Các em mỗi người hãy ghi tên 5 người mà theo ý kiến của bản thân xứng đáng đi thi tuyển vào đội tuyển Toán quốc tế. Cuối cùng tổng kết, ai được nhiều phiếu hơn sẽ đi thi.
Kết quả của cuộc bình bầu dân chủ này là (theo thứ tự số phiếu bầu): Trần Quốc Bảo, Hà Huy Bảng, Nguyễn Hùng Sơn, Mai Tiến Hùng, Nguyễn Công Thành.
Thầy công bố 5 tên trước lớp và nói thêm: Vị trí thứ 5 và thứ 6 chênh nhau rất ít nên tôi chỉ chọn 4 em đi thi tuyển Toán quốc tế. Và rồi lớp chúng tôi có 2 người đậu vào tuyển Toán quốc tế là Hà Huy Bảng và Nguyễn Hùng Sơn. Năm 1976, Việt Nam đạt được 4 giải Toán quốc tế: Nguyễn Hùng Sơn - huy chương đồng.

Sunday 23 January 2011

Thầy giáo Trịnh Thế Vinh

Thành lập Quỹ học bổng "Trịnh Thế Vinh"

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN
Số:  05 /QĐ - CVA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2011
QUYẾT ĐỊNH
 
Về việc thành lập Quỹ học bổng “Trịnh Thế Vinh” của trường THPT Chu Văn An
 
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN
 
            Căn cứ Điều lệ trường THPT ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ - BGD&ĐT ngày 02 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
             Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng trường THPT;
            Căn cứ vào thoả thuận giữa Đại diện Ban liên lạc Cựu học sinh chuyên Toán trường THPT Chu Văn An khóa 1978 - 1981 và Ban giám hiệu trường THPT Chu Văn An,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
            Điều 1. Thành lập Quỹ học bổng “Trịnh Thế Vinh” của trường THPT Chu Văn An với tổng trị giá 100 triệu đồng (VNĐ), kinh phí từ nguồn tài trợ của Cựu học sinh chuyên Toán trường THPT Chu Văn An khóa 1978-1981 và nguồn kinh phí được tiếp tục bổ sung hàng năm.
 
            Điều 2. Ban điều hành Quỹ học bổng “Trịnh Thế Vinh” của trường THPT Chu Văn An gồm các ông/bà có tên sau:
            - Ông Chử Xuân Dũng - Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Chủ tịch
            - Ông   Đinh Quang Thái - Đại diện lớp chuyên Toán trường THPT Chu Văn An khóa 1978-1981, Phó Chủ tịch
            - Bà Lê Thuý Hải - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Uỷ viên
 
            Điều 3. Ban điều hành Quỹ học bổng “Trịnh Thế Vinh” của trường THPT Chu Văn An được phép sử dụng số tiền lãi hàng tháng vào việc tặng học bổng cho học sinh giỏi các bộ môn Toán và Tin học; trao thưởng cho các thầy cô giáo có thành tích xuất sắc trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi các bộ môn Toán và Tin học của nhà trường.
 
            Điều 4. Các bộ phận Kế toán, Tài vụ và các ông (bà) có tên tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 
 
                Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./. 
 
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ban giám hiệu;
- Lưu VP.
HIỆU TRƯỞNG
  (Đã ký)
 
Chử Xuân Dũng

Trích nguồn:
http://www.thpt-chuvanan-hanoi.edu.vn/view/news/index.php?act=content&s_id=0000000924

Trao học bổng mang tên nhà giáo Trịnh Thế Vinh

Hai học sinh chuyên Toán của trường THPT Chu Văn An được nhận học bổng
29/11/2010 - 01:57:11


Hai học sinh chuyên Toán của trường THPT Chu Văn An
được nhận học bổng Trịnh Thế Vinh
Sáng ngày 29/11/2010, tại lễ chào cờ đầu tuần của trường THPT Chu Văn An, TS. Đinh Quang Thái đại diện cho các anh chị lớp chuyên Toán của trường THPT Chu Văn An khóa 1978-1981 đã trao hai suất học bổng Trịnh Thế Vinh, mỗi học bổng trị giá 2 triệu đồng, cho hai học sinh chuyên Toán của trường là Bùi Huy Thanh lớp 11 Toán và Đỗ Thanh Tùng lớp 12D1. Học bổng Trịnh Thế Vinh là học bổng tặng cho học sinh trường THPT Chu Văn An có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu các bộ môn Toán học và Tin học. Quỹ học bổng này do các cựu học sinh chuyên Toán của trường THPT Chu Văn An tài trợ để tưởng nhớ công lao dạy dỗ của thầy giáo dạy chuyên Toán - thầy Trịnh Thế Vinh. Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống trường Bưởi- Chu Văn An, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” của nhà trường, học bổng Trịnh Thế Vinh được xét tặng cho học sinh Bùi Huy Thanh và Đỗ Thanh Tùng – đây là hai học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập môn Toán, cả hai cùng được tham gia đội tuyển học sinh giỏi chính thức của Hà Nội dự thi quốc gia năm học 2010-2011. Riêng học sinh Đỗ Thanh Tùng, năm học 2009-1010 đã đoạt giải nhì quốc gia môn Toán.
Theo TS. Đinh Quang Thái, trong buổi sơ kết học kỳ I năm học 2010-2011 của nhà trường, học bổng Trịnh Thế Vinh sẽ chính thức tổ chức lễ ra mắt./.
Nguồn: http://www.thpt-chuvanan-hanoi.edu.vn/view/news/index.php?act=content&s_id=0000000830

Cần xây dựng tư duy toán học hơn kỹ năng làm toán

Ngô Bảo Châu và Vũ Hà Văn là hai tài năng trẻ về toán học đều đã được phát hiện và bồi dưỡng tại hệ thống trường THPT chuyên tại Việt Nam từ khi còn nhỏ và đều được phong hàm giáo sư trẻ nhất Việt Nam.
Vũ Hà Văn (phải) cùng cha mình - nhà thơ Vũ Quần Phương (Nguồn: Gia đình Vũ Hà Văn).
Vũ Hà Văn (phải) cùng cha mình - nhà thơ Vũ Quần Phương (Nguồn: Gia đình Vũ Hà Văn).
"Tôi cảm thấy nhà trường (Việt Nam) chú trọng nhiều về việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng làm toán hơn là việc xây dựng tư duy toán học. Kỹ năng tự đặt vấn đề và tư duy phản biện của học sinh ta chưa mạnh.
Nếu môn học được gắn với thực tế thì nó sẽ hấp dẫn và dễ hiểu hơn rất nhiều. Quan trọng hơn nữa, nó sẽ thực sự có ích cho sinh viên sau khi ra trường, kể cả khi họ không làm toán.
Họ sẽ không thấy toán học là một cái gì cao xa, đẹp nhưng vô ích, mà là một bộ phận thiết thực của cuộc sống".
GS Vũ Hà Văn 
Dù sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, cả hai anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Nhân sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa được vinh danh qua giải thưởng Fields – giải thưởng tầm cỡ nhất trong lĩnh vực Toán học của thế giới, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Vũ Hà Văn.

- Xin anh cho biết cảm xúc của mình khi biết Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Fields, hai anh có quan hệ thân thiết với nhau không?

GS Vũ Hà Văn: Giáo sư Châu là bạn tôi, tôi rất phấn khởi khi nghe tin này. Mặc dầu "tin đồn" cũng đã có từ lâu trong giới toán học, nhưng khi biết chắc chắn vẫn vui hơn.



- Có ý kiến cho rằng các tài năng toán học thường không chọn nghiên cứu ở trong nước? Anh thấy thế nào?

GS Vũ Hà Văn: Các tài năng trẻ, không chỉ riêng toán mà trong các môn khoa học nói chung, cần có môi trường tốt (giáo sư hướng dẫn, đồng nghiệp, hệ thống thư viện,...) mới có thể phát triển hết khả năng.

Chẳng hạn hướng Giáo sư Châu nghiên cứu là một lĩnh vực mạnh của toán học Pháp. Hiện nay ở Viện Nam ta chưa có được một môi trường như vậy.

Một phần nữa, lương bổng của người làm khoa học ở Việt Nam cũng chưa cho phép họ có thể tập trung toàn bộ thời gian vào nghiên cứu.

- Anh nghĩ sao về việc dạy môn toán tại trường phổ thông ở Việt Nam? Phải làm sao để học sinh thấy môn toán hấp dẫn?

GS Vũ Hà Văn: Tôi xin nói rộng hơn một chút, cả về việc dạy toán sau phổ thông. Tôi cảm thấy nhà trường chú trọng nhiều về việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng làm toán hơn là việc xây dựng tư duy toán học. Kỹ năng tự đặt vấn đề và tư duy phản biện của học sinh ta chưa mạnh.

Nếu môn học được gắn với thực tế thì nó sẽ hấp dẫn và dễ hiểu hơn rất nhiều. Quan trọng hơn nữa, nó sẽ thực sự có ích cho sinh viên sau khi ra trường, kể cả khi họ không làm toán. Họ sẽ không thấy toán học là một cái gì cao xa, đẹp nhưng vô ích, mà là một bộ phận thiết thực của cuộc sống.

Đáng tiếc ở những môn mang tính ứng dụng cao và hiện đang rất được chú trọng ở Âu Mỹ, như xác suất thống kê, toán máy tính... lực lượng chuyên môn ở Việt Nam còn mỏng, chưa phát huy được nhiều.

- Với những tài năng toán học cần có cách bồi dưỡng thế nào để phát triển tốt nhất?

GS Vũ Hà Văn: Câu này liên quan trực tiếp đến câu hỏi về các lý do chính khiến các tài năng toán học chưa chọn nghiên cứu ở trong nước. Tôi rất khâm phục những bạn trẻ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu ở Viêt Nam trong điều kiện hiện nay. Họ cần có sự quan tâm xứng đáng để bớt đi gánh nặng vật chất.

Tạo ra mối giao lưu với các nhà nghiên cứu quốc tế cũng giúp ích cho họ rất nhiều. Hiện thỉnh thoảng vẫn có những nhà khoa học hàng đầu tới thăm Việt Nam , nhưng họ chỉ ở một thời gian ngắn, nên hiệu quả không cao.

Tôi hy vọng trong thời gian tới, việc mở ra một trung tâm toán học quốc tế sẽ mang tới nhiều thay đổi lớn. Mong dự án này được triển khai nhanh. Nếu thành công, nó sẽ là mô hình rất tốt cho những ngành khoa học khác.

- Trong tương lai, anh có định đưa gia đình về nước để sinh sống và tiếp tục nghiên cứu?

Giáo sư Vũ Hà Văn: Tôi và gia đình về Việt Nam tương đối thường xuyên và mỗi dịp như vậy tôi đều kết hợp nghiên cứu và giảng dạy ở Viện Toán và trường Đại học Khoa học tự nhiên. Nhưng việc về nước lâu dài thì tôi chưa tính được trong tương lai gần.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư Vũ Hà Văn!
Theo Vietnam+
Vũ Hà Văn sinh ra tại Hà Nội, Việt Nam, anh vốn là học sinh chuyên toán trường Chu Văn An và Hà Nội - Amsterdam, Vũ Hà Văn thi đỗ điểm rất cao vào khoa Điện tử-Tin học của Đại học Bách khoa Hà Nội và được tiêu chuẩn theo học ở nước ngoài. Anh tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Eotvos, Budapest, Hungary năm 1994, đỗ tiến sĩ tại Đại học Yale, Mỹ, năm 1998. Vũ Hà Văn làm việc tại Đại học California ở San Diego, với tư cách trợ lý giáo sư, phó giáo sư và giáo sư. Từ mùa thu năm 2005, ông trở thành giáo sư Khoa Toán Đại học Rutgers. Anh là thành viên Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton .

Năm 2008, giáp sư Vũ Hà Văn là người duy nhất được giải thưởng Polya về những ứng dụng của lý thuyết tổ hợp. Tính đến nay, số nhà toán học được tặng Giải thưởng Polya vẫn còn rất ít, và họ đều là những nhà toán học hàng đầu.

Hiện giáo sư Vũ Hà Văn đã công bố hơn 80 công trình - một con số rất đáng nể; có những công trình được in trên các tạp chí toán học đỉnh cao thế giới như Annals of Mathematics (Niên giám toán học), Journal of AMS (Tạp chí của Hội Toán học Mỹ)... Các bài báo của anh được trích dẫn nhiều, tức là đạt chỉ số ảnh hưởng (impact index) cao.

 

( Bài đăng trên trang mạng www.tienphong.vn . Đọc toàn bài tại đây )

Sunday 16 January 2011

Vũ Thành Tự Anh: Từ chuyên toán CVA đến trường FULBRIGHT

- Anh nói, nhà kinh tế thường không nói chuyện giấc mơ mà chỉ đặt ra những mục tiêu. Và trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS Vũ Thành Tự Anh luôn “chỉ chú trọng vào quá trình”, “tạo nên xu thế thay đổi”. Bởi theo anh, “về Việt Nam để góp phần tạo nên một nền móng, một bệ phóng cho các thế hệ sắp tới.”

LTS: Hiện là giảng viên kinh tế học, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, TP.HCM và nhà nghiên cứu của Chương trình châu Á, Harvard Kennedy School, TS Vũ Thành Tự Anh thuộc lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế học đầu tiên ở Mỹ sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Anh nói, ngay cả khi được thụ hưởng một trong những nền giáo dục tốt nhất VN vào thời điểm đó: chuyên toán Chu Văn An, rồi chuyên toán Hà Nội – Amsterdam nhưng “bước vào nền giáo dục của Mỹ, mà cụ thể tại trường Boston College, tôi thấy choáng ngợp, theo nghĩa trước kia mình chỉ là con cá quanh quẩn trong một cái hồ, giờ được lao mình vào đại dương tri thức. Trong một môi trường đại học đích thực, điều quan trọng nhất là đi tìm chân lý một cách độc lập và sáng tạo”. Và khi về nước, anh trở thành giảng viên tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Trường Fulbright), là chương trình hợp tác giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và trường ĐH Harvard đào tạo thạc sỹ chính sách công.

Tại trường Kinh tế Fulbright, sinh viên ngồi cao hơn giáo viên. Tranh luận bình đẳng. Sinh viên có quyền nêu câu hỏi, thậm chí là phản biện và chất vấn giáo viên, và giáo viên là người đối thoại và hướng dẫn chứ không phải là truyền trao chân lý và khư khư bảo vệ ý kiến của mình.

Chúng tôi chọn Vũ Thành Tự Anh là một nhân vật trong tuyến bài này không phải chỉ do những gì mà cá nhân Vũ Thành Tự Anh và Trường Fulbright đã tư vấn cho chính phủ Việt Nam mà bởi cách họ đang dạy từng học viên, cách họ cố gắng tạo ra sự thay đổi, để tạo nền cho giáo dục Việt Nam hoàn thiện hơn.

( Đọc toàn bài tại đây )

Friday 14 January 2011

Hồi ức về các học sinh chuyên toán của cô giáo dạy văn

… "Cô Trâm dạy văn lớp chúng tôi có một năm, nhưng đối với riêng tôi, cô là người mẹ hiền thứ hai của tôi. Cô Trâm của chúng tôi là một người đặc biệt. Tình yêu của cô đối với chú Phùng Quán, sự chịu đựng những dị nghị, thành kiến xã hội trong suốt cuộc đời của cô thật vĩ đại không gì có thể miêu tả và so sánh nổi "…
Trên đây là hồi ức của Bùi Việt Hà - Giám đốc Công ty SchoolNet, nguyên học sinh lớp 10I chuyên toán Trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) khoá 1970-1973 - trong cuốn sách của anh tự xuất bản kỷ niệm 30 năm ngày ra trường. Đây là lớp học sinh để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong sự nghiệp dạy văn của bà Vũ Thị Bội Trâm, bởi họ là học sinh chuyên toán nhưng học văn cũng rất hay - theo nhận xét của bà. Nhưng cũng chính lớp 10I này còn gắn với một kỷ niệm vừa buồn lại vừa vui. Bà Trâm kể: Năm ấy, tôi được Ban giám hiệu phân công dạy lớp 10 là lớp cuối cấp. Nhưng có một đồng chí trong chi bộ e ngại, nói: "Phân công như vậy thì đến phần văn học hiện đại, Phùng Quán phu nhân sẽ dạy thế nào?". Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn lúc ấy là anh Giang Văn Nguyên vẫn bảo lưu ý kiến để tôi dạy lớp 10. May mà, cái lớp 10 ấy lại đạt kết quả tốt nghiệp môn văn rất tốt. Anh Nguyên được một phen hú vía.

......
Dạy cấp 2, rồi đến cấp 3, từ trường Trưng Vương đến Chu Văn An, toàn những ngôi trường nức tiếng đến tận ngày nay. Nhưng tình yêu nghề đến với bà không dễ dàng. Xác định đi với nó trọn đời, mà cứ hờ hững thì không được, bà quyết tìm ra trong nghề dạy học một cái gì đó đáng yêu, để yêu. Bà lao vào công tác chủ nhiệm. Và đã tìm được niềm say mê trong đó do gắn bó nhiều với trẻ. "Đã làm giáo viên phải làm chủ nhiệm mới gọi là nhà giáo". Đến tận bây giờ, sau khi đã về hưu hai chục năm mà các thế hệ học sinh cũ vẫn nhớ cô để về thăm cô, đặc biệt là cái lớp 10I chuyên toán Chu Văn An, với nhiều cái tên nổi tiếng như Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc, Bùi Việt Hà, Nguyễn Chí Quang, Nguyễn Khang v.v… Có em mời bằng được cô đến dự ngày giỗ đầu của mẹ mình với mục đích giới thiệu cô giáo mình với họ hàng. Có em lo lắng cho cô với nỗi lo của người con với cha mẹ. Làm sao cô lau dọn nổi nhà cửa khi không có người giúp việc, cô nằm giường không đệm có đau lưng không? Có em vào mạng, gọi cho cô: Cô ơi, có bài viết về chú Quán đấy, em mang về cho cô đây v.v… Sung sướng lắm, vui lắm.
.....
(Đọc toàn bài tại đây)